14 năm sau ngày HLV Alfred Riedl phải chia tay với Bóng đá Việt Nam vì lý do bảo thủ, HLV Park Hang Seo đang bị chỉ trích vì lý do tương tự.

Chỉ trích các trợ lý, chê ông Park liệu đã xác đáng?

Người chỉ trích đầu tiên không phải bầu Hiển. Nhưng từ nhận xét của ông chủ của CLB Hà Nội, những chỉ trích tăng lên cấp số nhân.

HLV Park Hang Seo đang phải hứng chịu nhiều hơn những chỉ trích

Bầu Hiển là “ông trùm” của bóng đá Việt Nam, nếu chỉ tính những người ra mặt làm bóng đá thì ông là số 1. Ông lo cho Đà Nẵng vô địch trước, rồi Quảng Nam vô địch sau.

Ông làm cho đất Sài Gòn hạn hán mọc ra một CLB bóng đá. Ông “đẻ” cho đất Hà Tĩnh, Phú Thọ mỗi nơi một đội bóng. Ông giúp đỡ cho bóng đá Nghệ An, Quảng Ninh qua nhiều giai đoạn khó khăn về tài chính. Thực tế không phải ông chỉ lo mỗi Hà Nội, đội bóng 5 năm vô địch V-League.

Và trong bộ máy vận hành của nền bóng đá, nơi quyền lực tập trung ở Ban chấp hành và Đại hội Liên đoàn bóng đá Việt Nam, thì “người của bầu Hiển” chiếm số đông, có thể quyết định tới các quyết sách hệ trọng của cả nền bóng đá, như chuyện huỷ V-League mới đây, hay cả tới những yếu nhân – là những người chọn ai làm HLV trưởng đội tuyển.

Bầu Hiển chỉ trích ông Park bảo thủ, không chịu làm mới, đặt vấn đề là liệu chăng các trợ lý của ông Park không dám ý kiến phản biện, góp ý. Chỉ trích này như đang lôi một tờ báo cũ ra đọc vậy.

15-25 năm trước, trợ lý của ông Alfred Riedl qua từng thời điểm khác nhau là những HLV nội, từ ông Tam Lang, Hồ Thu, cho tới Nguyễn Thành Vinh, Mai Đức Chung, Lê Thuỵ Hải…

Đời tiếp theo thời HLV Tavares là HLV Hoàng Gia, Trần Văn Khánh. Rồi đời HLV sau, trợ lý cho ông Calisto là HLV Phan Thanh Hùng, Đức Thắng.

Đây là cách làm của những nền bóng đá nghèo, lạc hậu. Nghèo không có tiền để thuê thêm trợ lý người nước ngoài. Lạc hậu nghĩ rằng sử dụng các trợ lý đủ các trường phái khác nhau, giỏi nhất của bóng đá nội để cố vấn các HLV ngoại ương bướng. Và bản thân các HLV trước khi sang Việt Nam cũng không đủ tầm cỡ để có ê kíp đồng hành.

Vì thế, khi ông Riedl thất bại ở SEA Games 2005 và 2007, hay Tavares ở AFF Cup 2004, nguyên nhân ngày đó cho rằng các trợ lý làm không hết chức trách, không góp ý, còn nếu có thì HLV bảo thủ và không tiếp thu.

Thời ông Park khác hẳn. Khác từ mô hình cho tới quốc tịch của những vị trí trợ lý chủ chốt.

Chẳng hạn, đội tuyển quốc gia bây giờ có tới 13 trợ lý. Số trợ lý ở đội tuyển U22 là 8. Tất cả những vị trí quan trọng nhất trong số các trợ lý của ông Park đều là người Hàn Quốc, ít nhất là 6 người. Ông Park cũng mời các HLV người Hàn đang làm ở Việt Nam lên tuyển, và đây là băn khoăn duy nhất liệu họ có tạo nên 1 ê kíp ăn rơ?

Nếu như 20 năm trước trợ lý trên tuyển cái gì cũng làm, thì bây giờ, mỗi trợ lý chuyên trách một công việc: Từ chiến thuật lối chơi, phân tích đối thủ, thể lực cho y tế, dinh dưỡng và cả chuyên trách về trang phục.

Cũng rất khác so với 20 năm trước, công tác huấn luyện hoàn toàn bằng cảm tính thì bây giờ là số liệu thống kê của nước ngoài, công nghệ phân tích hiện đại cả về đối thủ lẫn các tuyển thủ.

Đội ngũ trợ lý này, phương pháp này đặt ông Park vào một vai trò giống như là manager (một quản lý) hơn là một HLV đơn thuần (coach), như cái cách người Đức làm với Hansi Flick, người Anh làm với Gareth Southgate, người Ý với Roberto Mancini.

Như khi thay trung vệ Tiến Dũng ra, ông Park đã bàn với 2 trợ lý người Hàn của mình, trong đó có Lee Young Jin.

Chỉ trích năng lực của các trợ lý, nghĩ rằng HLV không lắng nghe các trợ lý góp ý với đội tuyển của ông Park lúc này chỉ là tàn dư của thứ bóng đá lạc hậu 2-3 thập kỷ trước.

  • Hệ thống của ông Park là gì?

Thật dễ dàng để thuyết phục mọi người tin rằng HLV nào đó đang phạm sai lầm sau một thất bại. Nhất là nó xảy ra ở phút cuối cùng, từ một cầu thủ vào sân thay người.

ĐT Việt Nam vẫn chưa có được những con người tốt nhất

Đòi hỏi sau trận thua Trung Quốc là đối thủ tầm thường thế nên hoàn toàn có thể chơi tấn công sòng phẳng từ đầu, như cách ghi được 2 bàn để gỡ hoà 2-2 cũng là dễ dàng.

Nhưng bóng đá đẳng cấp châu lục đâu dễ dàng thế, nhất là với Việt Nam ở một sân chơi gồm những đội tuyển mạnh hơn. Họ đều nỗ lực tối đa vì đây là vòng loại thứ 3, vòng loại cuối cùng của châu Á để đi World Cup.

Chúng ta sẽ lý giải thế nào khi Trung Quốc đã kiểm soát phần lớn thế trận cho tới khi ghi được 2 bàn thắng? Có phải họ vẫn mạnh hơn nên khi bị gỡ hoà 2-2 thì lập tức dâng cao gây sức ép để tìm kiếm bàn thứ ba và đã làm được?

Đòi hỏi Việt Nam chơi sòng phẳng ở vòng loại thứ 3 này là phi thực tế. Còn nếu nói rằng đằng nào cũng thua nên thử chơi sòng phẳng đôi công thì thật tiếc, bóng đá chuyên nghiệp như vậy là giống với thử đi thuyền nan ra ngoài biển khơi lúc sóng dữ.

Tháng 12-2017, Cúp giao hữu M150 ở Thái Lan là giải đấu đầu tiên của HLV Park Hang Seo với tư cách HLV trưởng. Ông ra mắt với lối chơi xây dựng trên sơ đồ 3 trung vệ, phòng ngự chắc chắn và chuyển đổi sang tấn công rất nhanh. Sự hợp lý về chiến thuật giải quyết luôn cả vấn đề thể lực.

Nhưng nhiều người nhìn về các mặt hạn chế hơn là ưu điểm. Truyền thông là một phần trong số đó, và chỉ trích khá nhiều. Có thể do sự ám ảnh của thứ bóng đá cổ điển 3 trung vệ có 2 dập 1 thòng thời xưa mà sau này các HLV ngoại khác sang mới thay đổi sang đá 4 hậu vệ giăng ngang.

Người của Liên đoàn, từ Việt Nam, lập tức truyền đạt “trend” (xu hướng) của dư luận và truyền thông ở nhà lúc đó cho ông Park.

Sau này ông Park nói rằng đó là một trong những thời điểm áp lực nhất. Nếu không vượt qua được, không có một kết quả khả quan ở giải M150, có thể ông sẽ bị sa thải ở một thời điểm nào đó. Vì ông thất nghiệp trước khi sang Việt Nam, và đội gần nhất từng dẫn dắt là CLB chỉ chơi ở hạng thấp Hàn Quốc.

Hệ thống này của ông Park sau đó phát huy tối đa năng lực của các cầu thủ, chủ yếu của 2 CLB Hà Nội và HAGL. Nó chuyển đổi từ 5-3-2 sang 5-4-1, rồi 3-4-3, hay 3-5-2.

Hệ thống đó đặc biệt thành công, giúp Việt Nam đương đầu với các đội bóng mạnh hơn, từng thắng Việt Nam dễ dàng. Thành tích á quân U23 châu Á, tứ kết Asian Cup, bán kết Asian Games chứng minh hệ thống cực kỳ phù hợp với các cầu thủ.

Và các quyết định thay người hầu hết mang về kết quả được người trong cuộc (cầu thủ, trợ lý) lý giải rằng nó dựa trên những nghiên cứu tỉ mỉ, khoa học và phương pháp truyền đạt tốt.

Và hệ thống đó giúp Việt Nam chơi trên cơ hầu hết các đội bóng trong khu vực, cho tới giờ vẫn chưa từng thua đối thủ nào ở Đông Nam Á, và vẫn là đương kim vô địch của AFF Cup và SEA Games. Hệ thống đó cũng giúp Việt Nam vượt qua Thái Lan, Indonesia và Malaysia ở cùng bảng của vòng loại thứ 2 của World Cup 2022 khu vực châu Á.

Tất nhiên, chúng ta đã từng chơi rất hay trước Iran, Nhật Bản…, chỉ chịu thua sát nút và thủng lưới rất ít thì việc thủng lưới tới 3 bàn trước Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy đội tuyển có những trục trặc.

Hầu hết các bàn thua đều là hệ quả của những sơ hở ở hàng thủ, bị đánh liên tục bởi những đường chuyền ra sau lưng hậu vệ, vào khoảng trống giữa hậu vệ với thủ môn thì phải chăng không chỉ là sai sót cá nhân, mà còn là vấn đề tập luyện?

Chưa khi nào ông Park đã phải luân phiên sử dụng tới 9 cầu thủ phòng ngự (5 trung vệ, 4 hậu vệ cánh), không giữ nguyên hàng thủ chỉ sau 3 trận. Chắc chắn là phải có vấn đề về nhân sự, và không chỉ vì Đình Trọng, Văn Hậu chấn thương.

Nếu những cầu thủ dự bị Thành Chung, Bùi Hoàng Việt Anh của Hà Nội được xác nhận là họ đã rất nỗ lực tập luyện, khát khao cống hiến, thì lúc đó vấn đề là HLV Park đã có định kiến và có vấn đề cách dùng người.

Ông Park đã thừa nhận mình thay trung vệ quá vội rồi. Ông và các trợ lý hành động ngay khi “trừng phạt” Tiến Dũng mắc sai lầm, nhưng cũng phải trả giá với sự lựa chọn Thanh Bình, dù cho ông cũng đúng với quyết định tung Tấn Tài vào thay Văn Thanh.

Việc ông trả hậu vệ trẻ Thanh Bình cho U22 dù sao cũng là nhất cử lưỡng tiện khi U22 có 2 trận giao hữu ở UAE.

Vấn đề là vậy thôi. Chứ đòi hỏi tấn công, làm mới ở một giải đấu quá tầm như này có thể sẽ là sự châm ngòi đưa bóng đá Việt Nam trở về với “thời kỳ tiền Park Hang Seo” ngay!

Đánh giá bài viết này
Share.
Leave A Reply

Exit mobile version